Những điều cần biết khi vẽ màu nước

Bạn là một người yêu thích hội họa và đang bắt đầu học vẽ màu nước? Bạn đã hiểu những gì về loại màu này rồi? Bài viết này IVY ART sẽ chia sẻ về chủ đề “những điều cần biết khi vẽ màu nước” để mang đến cái nhìn sơ lược cũng như những kiến thức cơ bản cho các bạn bắt đầu học nha.

Màu nước là gì?

Màu nước (tiếng anh là watercolor) là một loại màu vẽ được dùng phổ biến trong bộ môn hội họa. Màu được hình thành do các sắc tố (thường dưới dạng bột) hòa tan vào nước tạo ra một dung dịch có màu sắc.

Màu được cấu tạo từ hạt sắc tố (pigment) trộn với chất nghiền màu (binder) và gôm arabic (gum arabic).

Gôm arabic là một sản phẩm tự nhiên, rất an toàn, không độc hại, có tính acid nhẹ. Gôm arabic được dùng trong ngành sản xuất thực phẩm, có thể hòa tan được với nước. Về cơ bản, khi vẽ, gôm arabic sẽ kết dính hạt sắc tố (pigment) với nền giấy và nước sẽ bốc hơi trong quá trình khô. Gôm arabic làm chậm tốc độ khô của màu. Vì vậy nhiều họa sĩ thường dùng thêm gôm arabic để kiểm soát màu (nằm trong nhóm medium)

Màu nước khô rất nhanh do có gốc nước. Họa cụ vẽ màu nước cũng rất dễ vệ sinh, chùi rửa. Vì thế mà nó dễ dàng mang theo khi bạn là những người thích di chuyển để vẽ tranh và tìm cảm hứng.

Đúng như tên “màu nước”, màu sử dụng nước trong suốt quá trình vẽ nên bề mặt giấy cần lựa chọn chuyên dụng. Giấy cần có bề mặt phù hợp, ít bong tróc, độ giữ màu cao.

Những điều cần biết khi vẽ màu nước - màu nước là gì
Màu nước là gì (ảnh minh họa)

Lựa chọn màu nước hạng họa sĩ (chuyên nghiệp) hay màu nước hạng sinh viên?

Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm điểm khác biệt giữa hai loại nha. Phổ màu hạng sinh viên ít màu hơn hạng chuyên nghiêp. Màu hạng sinh viên được làm từ bột màu nhân tạo, còn hạng họa sĩ được làm từ bột màu truyền thống đắt tiền. Màu sinh viên có lượng chất phụ gia nhiều hơn và giá thành thấp hơn do không đạt độ tinh khiết và độ bền như hạng chuyên nghiệp. Đối với những người bắt đầu học vẽ thì lựa chọn màu hạng sinh viên khá phù hợp. Nhưng nếu bạn có điều kiện về kinh tế thì hãy lựa chọn màu họa sĩ để những bức vẽ của mình có hiệu ứng về màu sắc tốt hơn và tranh bền hơn.

Sau đây là một ví dụ về phổ màu: phổ màu hạng chuyên nghiệp của hãng Winsor and Newton có 96 màu, trong đó có 75 màu đơn sắc tố, 93 màu được xếp hạng bền vững (AA: cực bền, A: bền). Màu nước hạng sinh viên Cotman Watercolor thì có 40 màu, trong đó 19 màu đơn sắc tố.

Một số hãng màu nước hạng họa sĩ: Winsor and Newton professional, Mijello mission gold, Shihan premium, Daniel Smith, Holbein…

Một số hãng màu nước hạng sinh viên: Winsor and Newton cotman, White Nights (Nevskaya Palitra), Gansai Tambi, Royal Talens (Van gogh), Mijello Mission Silver…

Nên chọn màu nước hạng họa sĩ hay hạng sinh viên
Hình ảnh so sánh màu vẽ hạng họa sĩ và màu nước hạng sinh viên

Lựa chọn màu dạng nén (bánh) hay dạng đặc sánh (dạng tuýp, dạng hũ)?

Màu nước dạng nén được nén lại dưới dạng bánh cứng, khô. Khi vẽ, bạn sẽ dùng bút lông làm ướt màu. Loại nén thích hợp để vẽ ngoài trời và mang đi, vì độ nhỏ gọn, đầy đủ màu và không sợ màu đổ khi di chuyển. Nhưng màu dạng nén có nhược điểm là dễ nứt khi để lâu, dễ bẩn khi dùng cọ không sạch lấy màu.

Màu nước tuýp hoặc hũ có dạng đặc sền sệt. Khi dùng, người vẽ sẽ cho lượng vừa phải ra pallete rồi pha với nước. Với loại này, người vẽ cần thao tác cẩn thận tránh làm đổ màu khi di chuyển. Trường hợp màu trên pallete khô, bạn chỉ cần làm ướt lại bằng bút lông hoặc bình xịt là có thể sử dụng bình thường.

Màu nước dạng nén
Màu nước dạng nén (ảnh minh họa)

 

Màu nước dạng tuýp
Màu nước dạng tuýp (ảnh minh họa)

Đặc tính cơ bản của màu nước

Độ trong và đục

Độ trong (transparent): màu trong là những màu cho ánh sáng đi qua. Nghĩa là khi tô màu trong ta vẫn có thể nhìn thấy lớp màu ở dưới, màu nền trắng của giấy. Sử dụng màu trong sẽ giúp tạo độ sâu cho bức tranh. Nó giúp chồng nhiều lớp màu, blend màu dễ dàng hơn, cho ra những bức tranh có độ thật, tự nhiên. Một số hãng nổi tiếng với màu có độ trong cao như Holbein, Winsor and Newton…

Độ đục (opaque): màu đục là màu không cho ánh sáng đi qua. Do đó, độ che phủ của màu mạnh. Nó sẽ che phủ đi những lớp màu phía dưới và đặc biệt sẽ thể hiện rõ trên các nền màu sẫm. Dòng màu đục thường là các dòng cát-mi (cadmium).

Hiểu về độ trong/đục của màu sẽ giúp họa sĩ ứng dụng vào các kỹ thuật vẽ màu nước như pha màu, chồng lớp, blend màu…

Độ trong và độ đục

 

Độ trong và độ đục

 

Khả năng hãm màu

Màu có hãm (staining): là những màu khó xóa, không tẩy rửa được sau khi vẽ.

Màu không hãm (non-staining): là những màu có thể xóa, tẩy được khi làm ướt lại.

Khả năng hãm của màu nước staining and non-staining

Tính kết hạt

Kết hạt (granulating) là khi vẽ, màu sẽ có xu hướng là hình thành các chấm màu (texture). Nguyên nhân là do pigment nặng, không thể nghiền mịn thành kích cỡ đồng nhất.

Tính kết hạt

 

Tính bất biến và độ bền sáng

Tính bất biến (permanance) và độ bền sáng (lightfastess) được hiểu là, màu sau khi vẽ và khô, đôi khi sẽ bị bạc đi dưới tác động của tia UV hoặc theo thời gian. Do đó, màu được chia theo độ bất biến (bền) và độ bền sáng. Màu có tính bất biến là màu có khả năng giữ nguyên màu gốc sau một thời gian dài. Độ bền sáng là độ phai màu nếu ra ánh sáng. Ví dụ về 1 hãng màu nổi tiếng về độ bền sáng và tính bất biến cao là Daniel Smith.

Tính bất biến và độ bền sáng

 

Cấu tạo đơn sắc tố

Như bạn đã biết, màu sắc của màu nước được tạo nên bởi các hạt pigment. Một màu nếu được tạo bởi hạt đơn sắc tố (single pigment) sẽ cho ra màu sáng, chuẩn và sinh động. Do đó, màu chất lượng cao thường là màu được làm bởi một hoặc một vài loại hạt sắc tố đơn. Màu chất lượng thấp hơn sẽ có lẫn các hạt sắc tố khác nên có thể gây khó khăn cho việc pha màu.

Trên đây là một vài đặc tính cơ bản của màu nước mà IVY ART tổng kết. Hiểu về đặc tính của màu nước sẽ mang đến cho các bạn cái nhìn toàn diện hơn, từ đó sẽ đưa ra được những lựa chọn màu vẽ phù hợp với nhu cầu và ý đồ của bản thân.

Cấu tạo đơn sắc tố

 

Kỹ thuật cơ bản vẽ màu nước

Kỹ thuật vẽ màu nước rất đa dạng, từ cơ bản đến nâng cao. Bài viết này, IVY ART chỉ đề cập đến một số kỹ thuật đơn giản như dưới đây:

  • Kỹ thuật vẽ cọ ướt trên giấy ướt (wet on wet)
  • Kỹ thuật vẽ cọ ướt trên giấy khô (wet on dry)
  • Kỹ thuật vẽ cọ khô trên giấy khô (dry on dry)
  • Kỹ thuật vẽ trải màu đều – Flat wash
  • Kỹ thuật vẽ Graded wash
  • Kỹ thuật nhấc màu
  • Kỹ thuật vẽ sử dụng muối
  • Kỹ thuật vẽ sử dụng cồn
  • Kỹ thuật vẽ sử dụng keo chặn màu
  • Kỹ thuật vẽ rảy màu

Để xem chi tiết hơn về từng kỹ thuật, bạn có thể tham khảo bài viết “Học vẽ màu nước cho người mới bắt đầu

Trên đây là một vài chia sẻ của IVY ART về chủ đề “Những điều cần biết khi vẽ màu nước”. Mong rằng bài viết sẽ mang đến cho các bạn một số thông tin cơ bản cũng như có những trải nghiệm tuyệt vời hơn trong hoạt động nghệ thuật của mình. Nếu như bạn có thắc mắc hay nhu cầu muốn mua sản phẩm họa cụ chính hãng, chất lượng, giá cả ưu đãi, hãy liên hệ với IVY ART. Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ các bạn.

Xin cảm ơn!

EVERYONE IS AN ARTIST!

Bài viết hữu ích:

Cách tự làm màu nước cho bé an toàn mà đơn giản tại nhà

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255